Quản lý chất lượng (QC) là các quy trình nhằm đảm bảo thành phẩm tuân thủ một bộ tiêu chí chất lượng nhất định hoặc đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, bao gồm cả việc giám định chất lượng.
QC cũng đề cập đến việc giám định chất lượng thực tế của sản phẩm. Việc cung cấp các sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng và tuân thủ tất cả các quy định của thị trường là điều rất quan trọng. Khách hàng chi trả và mong đợi sản phẩm họ mua phải đạt tiêu chuẩn thị trường; do đó nhà sản xuất cần phải phấn phối các sản phẩm chất lượng nhất. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, người ta sử dụng nhiều phương pháp quản lý chất lượng khác nhau, trong đó nhiều phương pháp là đặc thù của ngành.
Giám định chất lượng là gì?
Một biện pháp kiểm tra, xem xét và thử nghiệm một hoặc nhiều đặc tính của sản phẩm và so sánh kết quả với các yêu cầu cụ thể để xác minh sản phẩm có đạt được sự phù hợp hay không. Giám định cũng đề cập đến việc kiểm tra sản phẩm, trong khi thủ tục đánh giá thì được áp dụng để phân tích quá trình sản xuất. Giám định viên thường tuân theo một danh sách kiểm định được thiết lập trước, dựa trên các thông số kỹ thuật của sản phẩm. Các sản phẩm đã được kiểm tra kỹ lưỡng sẽ được sử dụng cho quá trình sản xuất. Tương tự, bán thành phẩm cũng như thành phẩm đã được giám định cũng sẵn sàng được giao đến cho khách hàng.
Nhiệm vụ của Giám định viên đánh giá chất lượng là gì?
Giám định viên sẽ đặt ra và duy trì các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo các quy trình này được áp dụng một cách chuẩn xác.
Nhiệm vụ của giám định viên bao gồm:
- Thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng cho tất cả các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi 1 công ty;
- Tạo ra các quy tắc cho các tiêu chuẩn và truyền đạt chúng cho nhân viên và các bên có liên quan để đảm bảo chất lượng được duy trì;
- Viết tài liệu phác thảo tất cả các tiêu chuẩn rõ ràng để làm tài liệu tham khảo cho nhân viên;
- Làm việc với tất cả nhân viên cấp quản lý để đảm bảo họ đang duy trì mọi tiêu chuẩn mới và tuân thủ tất cả các quy định liên quan;
- Thực hiện giám định chất lượng ngẫu nhiên đối với sản phẩm hoặc dịch vụ để đánh giá mức chất lượng;
Giám định viên cũng có thể đọc hiểu các bản thiết kế và thông số kỹ thuật, theo dõi và quan sát các hoạt động để đảm bảo chúng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất liên quan; ngoài ra, họ còn đề xuất điều chỉnh quy trình, giám định, thử nghiệm hoặc đo lường vật liệu được sử dụng trong các thành phẩm, chấp nhận hoặc loại bỏ các thành phẩm, loại bỏ tất cả các sản phẩm và vật liệu không đạt yêu cầu kỹ thuật, thảo luận kết quả giám định với người phụ trách và báo cáo tất cả các số liệu kiểm tra và thử nghiệm.
4 hình thức giám định chất lượng phổ biến là gì?
Mỗi một hình thức giám định đều có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình quy trình quản lý chất lượng cũng như quản lý chuỗi cung ứng. Quy trình giám định chất lượng điển hình bao gồm bốn bước chính. Tùy thuộc vào sản phẩm, trải nghiệm làm việc của doanh nghiệp với nhà cung cấp và các yếu tố khác mà một hoặc tất cả các bước giám định này có thể được áp dụng
Giám định trước khi sản xuất (PPI)
Giám định trước khi sản xuất (PPI) được tiến hành trước khi quá trình sản xuất bắt đầu và giúp đánh giá số lượng cũng như chất lượng của nguyên liệu, thành phần và tính phù hợp của chúng đối với các thông số kỹ thuật của sản phẩm. PPI có lợi khi doanh nghiệp làm việc với một nhà cung cấp mới, đặc biệt nếu đơn hàng này có yêu cầu nghiêm ngặt về ngày giao hàng. Thực hiện giám định trước sản xuất giúp giảm bớt các vấn đề phát sinh liên quan đến tiến độ sản xuất, ngày vận chuyển và kỳ vọng về chất lượng.
Giám định trong quá trình sản xuất (DPI/DUPRO)
Giám định trong quá trình sản xuất (DPI) còn được gọi là DUPRO được thực hiện trong khi quá trình sản xuất đang được tiến hành. Bước này đặc biệt hữu ích đối với các sản phẩm được sản xuất liên tục, có yêu cầu nghiêm ngặt, và khi các vấn đề về chất lượng đã được phát hiện trước đó thông qua giám định PPI.
DUPRO có thể được thực hiện nhằm phát hiện lỗi sản xuất khi chỉ có 10-15% thành phẩm được hoàn thành. Từ đó, đơn vị giám định sẽ đưa ra đề xuất và đảm bảo các lỗi sản xuất đã được sửa chữa. DUPRO cho phép doanh nghiệp xác nhận mức chất lượng, cũng như việc tuân thủ các thông số kỹ thuật luôn được duy trì trong suốt quá trình sản xuất. Hình thức giám định này cũng hỗ trợ phát hiện sớm bất kỳ vấn đề phát sinh nào, do đó hạn chế việc giao hàng trễ và sản xuất lại.
Giám định trước khi xuất hàng (PSI)
Giám định trước khi xuất hàng/vận chuyển (PSI) là một bước quan trọng trong quy trình quản lý chất lượng và là phương pháp kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất xưởng. PSI đảm bảo rằng việc sản xuất tuân thủ các thông số kỹ thuật của người mua. Quá trình kiểm tra này được tiến hành trên thành phẩm khi ít nhất 80% sản phẩm đã được đóng gói để vận chuyển. Các mẫu ngẫu nhiên sẽ được chọn và kiểm tra các lỗi sản xuất so với các tiêu chuẩn và quy trình đã đề ra.
Giám sát xếp / dỡ container (LS)
Giám sát xếp dỡ container đảm bảo sản phẩm của doanh nghiệp được xếp và dỡ hàng một cách an toàn. Giám định viên sẽ giám sát toàn bộ quá trình và đảm bảo sản phẩm được xử lý chuyên nghiệp, giúp hạn chế mọi hư hại có thể xảy ra.
Hình thức giám định này thường sẽ diễn ra tại nhà máy mà doanh nghiệp đã chọn khi hàng hóa đang được xếp vào thùng vận chuyển; và còn được thực hiện tại điểm đến, sau khi sản phẩm đã đến nơi và đang được dỡ xuống. Quá trình này bao gồm việc đánh giá tình trạng của thùng vận chuyển, xác minh tất cả thông tin sản phẩm, số lượng và sự tuân thủ về đóng gói.
Giám định phân loại
Giám định phân loại là một hình thức giám định khác ngoài bốn hình thức đã nêu. Giám định phân loại là hình thức kiểm tra từng sản phẩm một để đánh giá một loạt các biến số bao gồm ngoại quan, sự lành nghề, chức năng và độ an toàn. Quá trình giám định này có thể được thực hiện trước hoặc sau khi kiểm tra bao bì. Trong trường hợp hàng hóa cần được chú ý đặc biệt để đảm bảo tuân thủ đặc điểm kỹ thuật hoặc khi hàng hóa có giá trị cao, dịch vụ kiểm tra 100% nên được thực hiện.
Một khi các sản phẩm đã được giám định và đạt tiêu chuẩn, giám định viên sẽ được niêm phong và chứng nhận sản phẩm bằng nhãn dán nhằm thể hiện rằng mọi sản phẩm trong lô hàng đều đã đáp ứng các yêu cầu chất lượng quy định. Hình thức giám định này đặc biệt hữu ích đối với hàng hóa phải tuân thủ đầy đủ và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng của khách hàng và thị trường. Việc kiểm tra này có thể được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình sản xuất.